Triển khai Đề án của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thí điểm thành lập Hội đồng kỹ năng nghề ngành Nông nghiệp theo đề xuất của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, ngày 23/3/2021 tại Ninh Bình, Hội đồng kỹ năng nghề ngành Nông nghiệp và Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô tổ chức Hội thảo về thực trạng kỹ năng nghề của người lao động ngành Nông nghiệp – Những thách thức và giải pháp. Tham dự hội thảo có đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chi cục thủy sản, phòng nông nghiệp, liên minh hợp tác xã, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu định hướng hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thuận – Chủ tịch lâm thời Hội đồng kỹ năng nghề ngành Nông nghiệp nhấn mạnh việc kết nối giữa 3 bên, cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, hợp tác xã trong công tác phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Hội đồng kỹ năng nghề Nông nghiệp mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo sẽ chia sẻ thông tin, trao đổi thảo luận về yêu cầu của doanh nghiệp đối với kỹ năng nghề của người lao động, khả năng cung đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đề xuất những giải pháp lấp đầy khoảng trống thiếu hụt kỹ năng cho người lao động.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thuận phát biểu tại hội thảo
Đại diện đơn vị đồng tổ chức hội thảo, ThS. Phạm Ngọc Vũ – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng Việt Xô đã chia sẻ về công tác đào tạo của nhà trường. Trường Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng Việt Xô là trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có bề dày lịch sử trong đào tạo kỹ năng nghề, đã huấn luyện được nhiều học sinh, sinh viên đạt giải nhất, nhì, ba tại kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, đạt huy chương vàng, bạc, đồng tại kỳ thi kỹ năng nghề khu vực ASEAN. Thực tế hiện nay, nhà trường chỉ đào tạo ngành nghề phi nông nghiệp, do khó tuyển sinh học nghề nông nghiệp. Qua các ý kiến của một số hợp tác xã về nhu cầu đào tạo tại hội thảo ngày hôm nay đã giúp cho nhà trường tìm hướng mới trong hoạt động tuyển sinh.
ThS. Phạm Ngọc Vũ phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, TS. Đinh Cao Khuê – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã chia sẻ việc cần thiết đào tạo nghề cho nông dân. Công ty đã từng ký kết hợp tác với nhiều nông dân tại Ninh Bình để trồng một số loại quả cho công ty, nhưng do không được đào tạo đầy đủ kỹ năng nên sản phẩm thu hoạch của nông dân đạt về hình thức, mẫu mã tuy nhiên tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn dẫn đến công ty vẫn phải bỏ tiền mua sản phẩm nhưng không thể xuất khẩu. Đặc thù của khu vực miền bắc là sản xuất nông nghiệp đa phần theo nông hộ, vì vậy rất cần những chuyên gia đến đào tạo tại chỗ cho nông dân, đào tạo những đội ngũ nòng cốt thực hiện khuyến nông. Hiện công ty không đủ người thực hiện công tác đào tạo nên công ty sẵn sàng chi trả kinh phí đào tạo cho lao động của công ty. Trong thực tế, công ty vẫn phải bố trí người bồi dưỡng, kèm cặp cho người mới được tuyển dụng từ nửa tháng đến 6 tháng mặc dù họ đã có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
TS. Đinh Cao Khuê phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, Th.S Ngô Thị Thu Hà – chuyên viên Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã thông tin cho đại biểu về hệ thống phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia. Đây là mô hình phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng mở, linh hoạt cả về thời gian, không gian, chương trình đào tạo. Hệ thống quản lý kỹ năng nghề theo Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, công nhận kinh nghiệm, kiến thức đã tích lũy của người lao động và thực hiện đánh giá tại điểm cuối quá trình tích lũy kỹ năng. Các cơ sở đào tạo cần tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và tra cứu các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề Nông nghiệp được đăng tải trên trang kynangnghe.gov.vn để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp cho người nông dân. Người lao động có thể tra cứu trên trang kynangnghe.gov.vn về các kỳ đánh giá, đơn vị đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.
Các đại biểu đến từ các hợp tác xã cùng nhận định nông dân rất cần được đào tạo những khóa học ngắn ngày cho những kỹ năng đơn lẻ, như: kỹ năng chọn giống trong trồng trọt, chăn nuôi; kỹ năng chăm sóc những cây trồng cụ thể của địa phương. Hiện lao động trẻ tỉnh Ninh Bình chủ yếu làm nghề phi nông nghiệp, lao động làm nghề nông là rất thấp và đa số tuổi cao. Các đại biểu mong muốn Hội đồng kỹ năng nghề tiếp tục làm đòn bảy cho mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 bên trong việc chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu mô hình, công nghệ mới để giúp người lao động, hợp tác xã nâng cao năng xuất, phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Cùng với hoạt động tổ chức hội thảo, Hội đồng kỹ năng nghề ngành Nông nghiệp đã trực tiếp đến một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp để tìm hiểu về trực trạng đào tạo và yêu cầu kỹ năng nghề của lao động, lắng nghe những đề xuất giải pháp trong phát triển kỹ năng nghề ngành Nông nghiệp.
Đoàn khảo sát làm việc với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao
Đoàn khảo sát làm việc với Công ty cổ phần đầu tư công nghệ xanh
Đoàn khảo sát làm việc với Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật và Du lịch Ninh Bình