Với mong muốn thoát nghèo, hai chàng trai người H’Mông Giàng A Trường và Giàng A Dì đã nỗ lực học tập không ngừng và gặt được những trái ngọt đầu tiên.
Không đi theo lối mòn để rồi luẩn quẩn với cái nghèo, cả tuổi xuân làm bạn với con trâu, cái cày như các bạn cùng trang lứa, hai chàng trai người H’Mông Giàng A Trường và Giàng A Dì ở xã Tủa Thàn, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên mạnh dạn “bỏ bản xuống phố” theo học trường nghề và ẵm về giải nhất trong cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức.
Vượt lên số phận
Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng đôi mắt nhìn xa xăm, khuôn mặt gầy và đen sạm vì cháy nắng, Giàng A Trường, sinh năm 2000 hồi tưởng về tuổi thơ cơ cực nơi vùng núi cao. Đôi lúc ngấn nước mắt của em cứ như muốn chực chờ để rơi xuống vì nhớ nhà, thương cha mẹ.
Trường chia sẻ: “Nhà em ở tít trên đỉnh núi, sáng nghe gà rừng gáy gọi thì biết là đến giờ lên rẫy chứ cũng chẳng có đồng hồ hay điện thoại.
Con đường lớn cách nhà em 3 km, cái lối nhỏ dẫn lên nhà chỉ vừa đủ cho một bánh xe máy đi lại, trời nắng thì không sao, mỗi khi trời mưa lại sạt lở, trơn trượt không thể đi lại.
Có những hôm mưa lớn, hết gạo, bố em ra chợ mua về, khi ấy xe phải gửi ở dưới dốc, mình trần cõng bao gạo lên, đường trơn làm té ngã cả gạo và người xuống suối, hôm ấy cả nhà lại ăn cơm trộn bùn.
Những điều ấy em chứng kiến hết năm này qua năm khác, bố mẹ cơ cực, vất vả làm lụng mà quanh năm chỉ thấy thiếu ăn, cũng vì động lực này mà em quyết tâm xuống phố để học nghề.
Một phần em cũng muốn đổi thay cuộc sống của chính bản thân sau này, phần nữa em muốn mở lối cho các bạn khác trên bản bằng con đường tri thức.
Em muốn các bạn nhận ra rằng, chỉ có học tập, kiếm cho mình một cái nghề thì may ra mới thoát được cái cảnh quanh năm đi sau cái cày, con trâu, mới thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của cái nghèo”.
Giàng A Dì và Giàng A Trường trò chuyện với phóng viên. (Ảnh: Trung Dũng) |
Ở Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Việt Xô (thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình), ngoài Giàng A Trường còn có Giàng A Dì, sinh năm 2000 cùng là người dân tộc H’Mông từ miền núi xa xôi xuống đây học tập.
Dì cùng xã và học chung lớp Trung học phổ thông với Trường. Khác với bạn đồng niên, Dì nhút nhát, ít nói, nhưng trong câu chuyện chàng trai này luôn toát lên sự khát khao đến cháy bỏng thay đổi cuộc sống, muốn góp một phần nhỏ của mình thay đổi suy nghĩ tư duy, nếp nghĩ của đại đa số thanh niên miền núi.
Dì luôn muốn chứng tỏ rằng, dù lý do gì đi nữa cậu cũng không bỏ cuộc, không đầu hàng với số phận mà quyết tâm đổi thay, mong một ngày nào đó ngọn lửa tri thức, khoa học trên các bản làng của người H’Mông sẽ được thắp sáng, giúp đồng bào có cuộc sống cải thiện hơn.
Chia sẻ với chúng tôi về tuổi thơ cũng không mấy khấm khá hơn, Giàng A Dì ngậm ngùi, cho biết: “Nhà em cách trường học gần chục cây số đường rừng, khi biết em trúng tuyển vào cấp 3 bố em thì mừng, còn mẹ thì một mực khuyên em nên nghỉ còn về lấy vợ, gùi sắn cùng mẹ lên nương.
Suốt mấy đêm liền em nằm khóc, rồi cô giáo đến nhà vận động, bố mẹ em cũng nhận thức ra và đồng ý cho em đi học.
Ngày đầu vui vẻ đi học là thế, nhưng chặng đường đi học lại lắm gian truân, có hôm trời mưa, dậy thật sớm để đến trường mà mãi đến chiều mới vào được lớp vì đường khó đi.
Cô giáo thấy thế nên nói em ở lại trường cho đỡ vất vả, nhưng thương bố mẹ, thương các em nên bản thân cố gắng sáng đi, tối về còn phụ mẹ vào những ngày cuối tuần cho đỡ vất vả.
Em cũng như Trường, vì cuộc sống bản làng còn nghèo khổ, thanh niên lại chưa định hướng về tương lai, tỉ lệ thất học còn nhiều nên em muốn đi học trước hết kiếm được cái nghề, hy vọng sau này có thể quay về giúp sức cho bà con dân bản, sau đó là muốn truyền động lực để thanh niên trong bản, hãy theo con chữ đến cùng thì mới mong đổi thay cuộc sống được”.
Chia sẻ về cơ duyên các em đến với Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Việt Xô để học nghề, em Dì cho biết, tại trường cấp 3 mỗi năm đều có giáo viên các trường nghề dưới xuôi lên phổ biến hướng nghiệp.
Đúng với mong muốn ấp ủ, các em kết nối và được giáo viên hướng dẫn xuống theo học tại trường vào lớp 16aK22 khoa Xây dựng.
Vì là đồng bào dân tộc và có sổ hộ nghèo nên khi theo học tại đây các em cũng nhận được nhiều sự trợ giúp, đặc biệt là hỗ trợ miễn phí về chỗ ở trong ký túc xá, miễn tiền học phí và mỗi tháng được phụ cấp 1,3 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt.
Mong ước được trở về cống hiến cho quê hương
Bỏ lại sau lưng là đồi núi và hoa ban nở trắng, hai chàng trai xuống phố nhập học với bao nhiêu bỡ ngỡ, những ngày đầu gặp không ít khó khăn về điều kiện sinh hoạt cũng như nếp ăn chốn ở.
Thêm vào đó, điều kiện chi tiêu ở thành phố lại đắt đỏ nên mấy tháng đầu, tiền phụ cấp không đủ sống, thương bố mẹ trên quê còn nghèo nên không dám gọi gửi tiền xuống, có những hôm hai em nhịn đói từ cả ngày đến lớp.
Không nản lòng, hai em quyết định tranh thủ những lúc ngoài giờ học sẽ xin làm thêm ở các cửa hàng và các quán cà phê để kiếm thêm thu nhập.
Bước sang năm thứ hai, phần vì được định hướng theo học chuyên sâu môn xây dựng với kỹ năng ốp lát tường và sàn, phần vì cầu tiến, ham học hỏi nên giáo viên bộ môn đã phát hiện ra khả năng của các em, đồng thời tạo điều kiện cho các em đi làm thực tế tại công trình với các thầy lúc rảnh rỗi.
Ngoài hỗ trợ tiền ăn ở, các thầy còn trả công cho các em 250.000 đồng/ngày. Từ khi được các thầy giúp đỡ, các em cũng bớt đi được phần nào gánh nặng kinh tế và chuyên tâm hơn nữa vào việc học.
Đáp lại sự mong mỏi của giáo viên các em đã đem vinh quang về cho nhà trường với giải Nhất trong cuộc thi “Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức.
Giàng A Trường (đứng thứ 4 bên phải) và Giàng A Dì (đứng thứ 5 bên phải) nhận bằng khen giải Nhất cuộc thi “Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020”. (Ảnh: Nhà trường cung cấp) |
Chia sẻ với chúng tôi về định hướng tương lai sau khi đạt giải thưởng cao trong một cuộc thi lớn như thế, các em giản dị trả lời rằng, nếu có thể được giúp sức về kinh tế các em sẽ liên thông lên đại học, khi hội đủ kỹ năng các em mong có cơ hội được trở về cống hiến cho quê hương.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về dự định của các em, thầy Phùng Văn Cao, Trưởng khoa Xây dựng, Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Việt Xô bày tỏ:
“Biết được các em là con em bà con dân tộc vùng cao, không ngại lặn lội hàng trăm cây số xuống trường để theo học nghề nên lãnh đạo Khoa Xây Dựng và nhà trường đặc biệt quan tâm hỗ trợ.
Trong quá trình rèn luyện, Khoa cũng bỏ kinh phí để mua vật tư như gạch, xi măng, cát sỏi để các em luyện tập kỹ năng để có thể tự tin bước vào cuộc thi.
Với nền tảng đào tạo nghề của nhà trường thì hầu như năm nào cũng có thí sinh tham dự các cuộc thi lớn và đạt giải thưởng, còn trường hợp sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số đi thi và giành được giải Nhất thì đây là trường hợp đầu tiên.
Sau khi giành được giải thưởng cao các em cũng có chia sẻ về nguyện vọng muốn liên thông lên đại học để nâng cao tay nghề và bằng cấp.
Cùng với đó là ý muốn quay trở về để xây dựng cho quê hương thì chúng tôi cũng hết sức ủng hộ.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó cần rất nhiều yếu tố hỗ trợ chứ không đơn thuần chỉ là tài năng của các em.
Hiện tại các em đã tốt nghiệp và không thuộc sự quản lý của nhà trường nữa nhưng các giáo viên trong trường vẫn có một số định hướng riêng để các em tham khảo.
Trước mắt, có một vài thầy giáo trong trường còn đồng thời là chủ của doanh nghiệp trực tiếp nhận công trình nên đã mạnh dạn nhận các em vào làm tại công ty của họ và hỗ trợ công việc cho các em để tăng thêm thu nhập”.
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-ban-xuong-pho-hoc-nghe-2-chang-trai-muon-khoi-lua-sang-cho-nguoi-h-mong-post213565.gd