Chỉ đơn giản là cắt cành cây nơi con chim đậu, Đại Bàng sẽ bay lên
Khi trong tay bạn nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, bạn chỉ có mỗi thứ này; nếu bạn chịu buông xuống, bạn mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác.
Chuyện kể rằng, ngày xưa, có một vị vua nhận được món quà là hai con chim ưng rất đẹp. Chúng là hai con chim ưng từ thuộc loài đẹp nhất mà ông từng thấy. Ông đưa những con chim quý này cho người nuôi chim trong hoàng cung huấn luyện.
Một tháng đã trôi qua, và người nuôi chim báo tin cho nhà vua rằng, mặc dù một con chim ưng đã bay vút lên bầu trời một cách mạnh mẽ, nhưng con còn lại vẫn không di chuyển khỏi cành cây mà nó đã đậu.
Vị vua mời các chuyên gia dạy chim nổi tiếng khắp nơi trên đất nước để đến xem tình hình của con chim ưng này, nhưng không ai có thể làm nó bay.
Đức vua đem sự việc này bày tỏ với các quan viên trong cung điện của mình, nhưng tất cả đều bó tay, con chim chưa rời cành bay lên. “Biết đâu một người thân thuộc với vùng quê, hiểu tập quán của loài chim này có thể giải quyết vấn đề?” – nhà vua nghĩ bụng. Lập tức ông gọi quan cận thần của mình truyền lệnh: “Hãy đi mời một người nông dân“.
Vào buổi sáng, nhà vua rất phấn khích khi thấy con chim ưng bay cao trên khu vườn cung điện. Ông nói với quan cận thần: “Mời người đã làm ra phép lạ này đến đây“.
Vị quan nhanh chóng mời người nông dân đến để diện kiến trước đức vua. Nhà vua hỏi ông ta: “Làm cách nào mà người làm con chim ưng bay được vậy?“.
“Thưa bệ hạ, tôi chỉ đơn giản là cắt cành cây nơi con chim đậu đi“ – người nông dân trả lời.
——————–
Tất cả chúng ta đều có thể “bay”, bởi đó là tiềm năng đáng kinh ngạc của con người. Nhưng theo thời gian, chúng ta ngồi trên những “cành cây” của mình, rồi dính mắc vào những thứ thân thuộc mà quên mất bản năng của mình.
Khả năng của con người vô tận, nhưng hầu hết chúng ta vẫn chưa thể hoàn toàn khai phá hết. Chúng ta thích những thứ quen thuộc, thoải mái mà không chịu di dời. Vì vậy phần lớn cuộc đời, chúng ta đã quên mất bản năng của mình.
Hãy học cách phá bỏ những cành cây của sự sợ hãi mà chúng ta bám vào và giải thoát bản thân để có thể bay lên một cách huy hoàng.
Trong kinh doanh, nếu bạn cứ đi theo lối mòn, không tự đổi mới, khám phá và thích nghi với sự phát triển, thì bạn sẽ không thể thành công.
Câu chuyện về 2 công ty phát triển thị trường giày tại Châu Phi là một bài học nằm lòng cho những ai không chịu khám phá, thay đổi tư duy. Chuyện kể về việc 2 công ty sản xuất giày nọ cử 2 nhân viên của mình đến Châu Phi để tìm hiểu thị trường nơi đây.
Anh nhân viên công ty A đến nơi, thấy dân chúng nơi đây hầu hết đi chân đất, anh lập tức quay về báo cho công ty rằng, nơi đây không thể bán được giày, vì người dân nơi đây không đi giày.
Anh nhân viên công ty B cũng đặt chân đến Châu Phi, cũng nhìn thấy người dân nơi đây hầu hết không đi giày. Anh vui mừng lập tức báo về công ty, rằng đây là 1 thị trường tiềm năng, hầu hết người dân nơi đây đều không có giày để đi. Cuối cùng công ty B đã thành công, phát triển được thị trường mới tại Châu Phi.
Vẫn luôn có ai đó tận dụng các cơ hội mà những người khác bỏ qua. Thật không may là khi bạn quyết định tận dụng cơ hội thì nó đã không còn ở đó nữa.
Có đôi lúc, mọi thứ chỉ bắt đầu từ suy nghĩ. Những quyết định nhỏ có thể thay đổi cả cuộc đời lớn. Nếu chúng ta chấp nhận cắt đi cành cây suy nghĩ cổ hủ, chịu khó vươn lên trời cao, đổi mới tư duy theo kịp sự phát triển của thời đại chắc chắn sẽ thành công.
“Nếu muốn thành công, bạn phải dấn thân vào những con đường mới, chứ không phải đi du lịch trên lối mòn của những thành công đã được thừa nhận” là câu nói nổi tiếng của cựu “vua dầu lửa” John D. Rockefeller. Những doanh nghiệp tiếp nhận và đổi mới theo xu thế, đáp ứng nhu cầu khách hàng ắt thắng.
——————–
Có người đã từng làm một thí nghiệm rất thú vị: đem 5 con ong và 5 con ruồi nhốt chung trong một chai thủy tinh, sau đó đặt ngang cái chai, hướng cho đáy chai quay về cửa sổ. Hiện tượng gì sẽ xảy ra?
Bạn sẽ nhìn thấy, những con ong không ngừng hướng về phía đáy chai để tìm lối thoát ra, cứ thế cho đến khi kiệt sức hoặc đói mà chết; còn ruồi thì chỉ một lúc sau đã có thể xuyên qua đoạn cổ chai mà thoát thân. Thực tế, ong vì thích ánh sáng mà kiên trì hướng về phía đó nên bước vào đường chết. Ruồi thì chả để ý gì đến ánh sáng, chúng chỉ nghĩ cách nào để thoát thân nên bay tứ tung, kết quả là qua bao lần nhầm hướng sẽ có lúc phát hiện ra lối thoát, nhờ thế mà đạt được tự do và sự sống mới.
Thử nghiệm này chẳng qua cũng chỉ là một câu chuyện để bạn nghe qua.
Trên thực tế cho thấy một doanh nghiệp luôn có khả năng gặp các thử thách đến từ nhiều hướng, từ sản phẩm, từ thị trường, từ khách hàng, từ đối thủ, và thậm chí từ đối tác…mà không thể lường trước được. Trước những thách thức đó, những “con ong” trong doanh nghiệp lúc nào cũng có thể đụng phải “bức tường thủy tinh” không cách nào giải thích được, làm thế nào? Chỉ có cố gắng sáng tạo, mới có thể chuyển biến tình hình, đạt kết quả tốt.
Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó tốt hơn.