Học Nghề không phải là điểm ” DỪNG CHÂN” bất đắc dĩ

C:\Users\Admin\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\Content.Word\z3376460214784_6d51c233d9b14214473ffd41e74f95cb.jpg

Nếu như trước đây, học nghề được coi là “điểm dừng” bất đắc dĩ của học sinh thì hiện nay, thực tế này đã thay đổi hoàn toàn. Nhiều phụ huynh, học sinh chủ động lựa chọn học nghề như một sự tính toán chu đáo cho tương lai, mặc dù điểm thi tốt nghiệp THPT đủ để xét vào những trường đại học có chất lượng tốt.

Học nghề, không phải là

Học sinh trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên huyện Yên Khánh thực hành nghề may.

Năm 2018, em Nguyễn Hoàng Long (huyện Yên Mô) đủ điểm để đỗ vào trường Đại học Giao thông vận tải. Tuy nhiên, trước ngày nhập trường, Long đã đưa ra một quyết định khiến cả nhà… toát mồ hôi hột: chuyển sang đi học nghề. 

“Quyết định này không làm em hối hận. Càng học nghề, em càng thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Ở trường nghề, chất lượng học tập không chênh lệch so với bậc học đại học, trong khi đó, chi phí học tập thấp hơn. Chương trình học bám sát thực tế, ngoài ra sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp, bởi vậy có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường lao động. Trong quá trình học, em đã được tham gia và đạt giải Bạc tại kỳ thi kỹ năng nghề toàn quốc. Phần thưởng này là cú hích để em thêm động lực vươn lên khẳng định bản lĩnh, kiến thức và kỹ năng nghề của mình. Hiện nay, em đã tốt nghiệp ra trường và đi làm với mức lương 12 triệu đồng/tháng”- em Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.

Đỗ Hoàng Anh Tuấn (phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình) thì lại có cú… “quay xe” táo bạo hơn. Anh Tuấn đang học dở năm thứ nhất, Trường Đại học Giao thông Vận tải thì quyết định nghỉ và rẽ ngang sang học nghề công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô. Quyết định này của anh Tuấn bị cả gia đình phản đối, vì với họ, học ở một trường đại học tốt, sẽ hứa hẹn nhiều thành công hơn trong tương lai. 

Anh Tuấn chia sẻ: Tốt nghiệp THPT và đỗ vào một trường Đại học yêu thích, đó là mơ ước của hầu hết các học sinh, và em cũng vậy. Nhưng khi vào học rồi, em mới thực sự suy nghĩ xem mình cần gì, mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai. Vì vậy, mặc dù đã học gần hết năm thứ nhất, em vẫn quyết định lựa chọn lại nghề. Chăm chỉ học tập để tích lũy kiến thức và kỹ năng nghề thật tốt, em tin rằng em sẽ thành công.

Ông Phạm Ngọc Vũ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô cho biết: Trước đây, nhiều học sinh chọn học nghề bởi vì các em không thi đỗ vào trường đại học mà mình mong muốn. Thậm chí, nhiều em chọn học nghề là giải pháp tình huống trong lúc đợi đến kỳ thi đại học năm sau để tiếp tục dự thi. Đó là lý do chủ yếu khiến tình trạng học sinh, sinh viên bỏ học giữa chừng ở các trường nghề. 

Tuy nhiên, hiện nay thực tế này đã có nhiều thay đổi. Việc học nghề không phải là “điểm dừng” bất đắc dĩ của học sinh nữa. Ngày càng có nhiều phụ huynh, học sinh lựa chọn trường nghề là nơi hiện thực hóa khát vọng nghề nghiệp cho tương lai. Những trường hợp chủ động lựa chọn học nghề, thay vì vào đại học như em Hoàng Long, em Anh Tuấn không còn là cá biệt nữa. 

Minh chứng rõ nhất là công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề ngày càng được cải thiện. Trong năm 2022, tính đến ngày 10/9, nhà trường đã tuyển sinh được 1.650/1.815 học viên, đạt 90,9% chỉ tiêu được giao. Đáng chú ý, trong số học viên được tuyển vào trường, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT với số điểm khá trở lên cũng ngày một tăng.

Học nghề không phải là điểm dừng bất đắc dĩ Sinh viên khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt Xô trong một tiết thực hành. 

 

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, lệch pha cung-cầu lao động đã diễn ra khá phổ biến trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không thể tìm được việc làm phù hợp, thậm chí có nhiều sinh viên phải cất tấm bằng cử nhân để đi làm công nhân hoặc học lại một nghề khác. Trong khi đó, nhu cầu về nguồn lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề, lao động có kỹ thuật… của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thì ngày càng lớn.

Số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm cho thấy, các chỉ số thể hiện nhu cầu của các doanh nghiệp về nguồn lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo liên tục tăng. Tính ở thời điểm hiện tại, có khoảng 15 đơn vị thường xuyên đăng ký tuyển dụng trực tiếp tại Sàn Giao dịch việc làm, ngoài ra còn có trên 70 đơn vị gửi chỉ tiêu tuyển dụng tới hơn 20 nghìn vị trí việc làm trống, 9 đơn vị xuất khẩu lao động có khoảng 5 nghìn chỉ tiêu đi tu nghiệp sinh và làm việc tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước Châu Âu với chi phí thấp và thu nhập từ 20-60 triệu đồng… 

Chỉ tiêu tuyển dụng rất dồi dào, tuy nhiên số lượng tuyển dụng được thì vẫn còn ở mức độ do không có nguồn tuyển phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Những con số thể hiện sự lệch pha “cung- cầu” lao động đã góp phần tác động mạnh mẽ đến nhận thức, thay đổi quan niệm về học nghề đối với các bậc phụ huynh và bản thân các em học sinh trong thời gian qua.

Cùng với đó, để thay đổi nhận thức của học sinh đối với việc học nghề, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chương trình tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Theo đó, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo 100% các trường THCS trên địa bàn thực hiện đầy đủ thời lượng dành cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 với nhiều hình thức đa dạng: dạy tích hợp trong các hoạt động giáo dục tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; dạy theo từng lớp, dạy theo nhóm lớp, dạy theo khối tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn…do giáo viên chủ nhiệm/tổng phụ trách đội/lãnh đạo nhà trường đảm nhiệm, có mời các cá nhân điển hình trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia hướng nghiệp cho các em học sinh. Bên cạnh đó, nhiều nhà trường đã chủ động, sáng tạo trong định hướng, phân luồng đối với học sinh các khối lớp còn lại.

100% học viên mới vào lớp 10 tại các trung tâm GDNN-GDTX đều được đăng ký học trung cấp nghề theo nhu cầu và sở trường của cá nhân. Trên cơ sở đăng ký của học viên, các TTGDNN-GDTX triển khai việc xếp lớp phù hợp với nhóm ngành nghề mà học viên lựa chọn. Đồng thời các TTGDNN-GDTX đã chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp có chất lượng đào tạo nghề, có uy tín để liên kết đào tạo. 

Những ngành nghề được đào tạo trình độ trung cấp tại các trung tâm GDNNN-GDTX rất đa dạng, gồm có: Công nghệ sửa chữa ô tô; Kỹ thuật chế biến món ăn; Vận hành thi công; Cấp thoát nước; Kế toán doanh nghiệp; Điện dân dụng; Điện công nghiệp; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Kỹ thuật xây dựng; Hàn; Cắt gọt kim loại; Lập trình máy tính, Chế biến món ăn… phù hợp với sở thích, nguyện vọng của học sinh và nhu cầu của thị trường lao động.

Trích: https://baoninhbinh.org.vn/hoc-nghe-khong-phai-la-diem-dung-bat-dac-di/d20220916132434895.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

viVietnamese
Powered by TranslatePress