“Tự học, nhu cầu của thời đại”

Tác giả: Đặng Đăng Thục
Trường Đại học Sài Gòn
Khoa: Tài chính – Kế toán
Ngành: Tài chính Ngân hàng

Ngày nay, kinh tế – xã hội đi lên, công nghệ thông tin bùng nổ, Internet phát triển cực nhanh, việc tìm kiếm thông tin để phục vụ cho học tập và làm việc đối với mọi người nói chung, sinh viên – học sinh nói riêng trở nên dễ dàng hơn và có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, cho đến giờ, không ai có thể phủ nhận vai trò của sách trong việc cung cấp tri thức cho nhân loại. Bởi sách là kết tinh những công trình nghiên cứu của các triết gia, nhà khoa học… là những gửi gắm tâm huyết của các nhà văn, nhà thơ… “Tất cả cái vốn tinh thần của nhân loại đều ở trong sách” (Nguyễn Hiến Lê – “Tự học, một nhu cầu thời đại”). Thông tin trên Internet tuy nhiều thật, nhưng phần lớn trong số đó lại chưa được kiểm định, về tính chính xác thì sách hơn hẳn. Đọc sách cũng là một nghệ thuật và là một thú vui tao nhã. Khoa học đã chứng minh đọc sách là một cách rèn luyện trí não một cách hiệu quả, một cách xả stress và tăng sự tập trung.

Nhắc về sách, hẳn ai trong đời cũng có ít nhất một cuốn sách mang lại nhiều ấn tượng sâu sắc, là cuốn “sách gối đầu giường”, là cuốn cẩm nang giúp ta bước đi trong cuộc sống. Trong các cuốn sách đã đọc, tôi dành một sự chú trọng đặc biệt đến những tác phẩm của tác giả Nguyễn Hiến Lê. Ai đã đọc qua sách do Nguyễn Hiến Lê viết hoặc dịch cũng đều phải công nhận rằng ông là một tác giả có tài. Ông viết về nhiều lĩnh vực và ở lĩnh vực nào cũng thể hiện sự uyên bác và nghiên cứu kỹ lưỡng, quan điểm của ông rất đơn giản “ viết để học và học để viết”, nhờ ham học hỏi mà ông viết được rất nhiều tác phẩm (Hơn 100) mà nhờ viết nhiều mà ông lại học hỏi được nhiều hơn, từ đó mà sự hiểu biết cũng rộng hơn. Văn của ông rất giản dị, dễ hiểu, ai đọc qua cũng có thể nắm được nội dung chính trong tác phẩm. Có thể kể đến một vài tác phẩm nổi tiếng mà ông đã sáng tác hoặc dịch thuật như “Đắc nhân tâm”, “Quẳng gánh lo đi và vui sống” của Dale Carnegie, “Lịch sử Thế giới” – viết rất dễ hiểu, “Tự học – Một nhu cầu thời đại” – rất là thiết thực cho những người muốn tự học mà đang “bí” phương pháp… Tất cả đều giúp ích cho cuộc sống của chúng ta. Trong số những tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê, cuốn “Rèn nghị lực để lập thân” đã để lại nhiều ấn tượng và thiết thực nhất đối với tôi.

“Rèn nghị lực để lập thân” là một cuốn cẩm nang giúp ta nhận ra những điều cần thiết trên con đường học tập và làm việc cũng như cách ta sống trong xã hội, cách biến những nghịch cảnh thành động lực để có thể vươn lên, cách diệt những thói quen xấu làm trở ngại đến nghị lực… từ đó giúp ta vững vàng để đi đến thành công trong xã hội nhộn nhịp và nhiều biến đổi hiện nay. Sách được viết từ những năm 50 của thế kỷ trước nhưng tính thiết thực lại rất cao, rất đáng để học sinh, sinh viên xem qua và thực hành để làm nền tảng cho cuộc sống sau này.

Nguyễn Hiến Lê đã mở đầu cho cuốn sách bằng một nghi vấn: Thế nào là thành công? Hẳn ai trong chúng ta cũng đều nghĩ: Có địa vị xã hội, vợ đẹp, thẻ tín dụng… chính là thành công. Có phải như vậy đã thực sự là thành công không? Ông dẫn một câu chuyện của Pháp về một thầy ký nghèo mơ ước sau này đám tang của mình sẽ thật lớn, rồi một hôm nọ, thầy nhặt được một tấm ngân phiếu bên trong ghi một số tiền khổng lồ, sau khi băn khoăn một thời gian, thầy quyết định đi rút số tiền trong tấm ngân phiếu đó và trở nên giàu có. Rồi thầy bắt đầu “khôn”, thầy dùng tiền ấy đầu cơ chính trị, mua chức mua quyền, kinh doanh đủ lĩnh vực và thầy trở nên nổi tiếng, khi thầy mất, tổng thống cũng đi đưa tang cùng một đội quân hùng hậu, thầy đã thành công (đạt được ước nguyện). Nhưng Nguyễn Hiến Lê cho nếu thành công theo cách ấy thì chẳng thà thất bại như Khổng Tử hoặc Giê-su “: Một vị đi lang thang hết nước này qua nước khác mà không vua chúa nào chịu dùng, một vị bị đóng đinh trên cây thập ác giữa hai tên ăn trộm trên đỉnh núi Golgotha.” Chúng ta hiểu hai tiếng “thành công” theo nghĩa khác. “Thành công là dùng những phương tiện lương thiện mà đạt được mục đích của mình, một mục đích tùy người thay đổi song không khi nào ti tiện.” Thật là đúng đắn! Và ông cũng nhắc thêm “: Ở đời cũng có số mạng thật, song mười trường hợp thì chín trường hợp, sự may rủi do ta gây nên chứ không có hoàn cảnh bên ngoài.” Do đó, chúng ta không nên đổ lỗi cho số mạng để biện minh cho những việc không hay của mình, đều do mình tạo ra cả. Người thành công là người biết “lợi dụng” những khó khăn đó mà vượt qua được rồi biến nó thành kết quả tốt đẹp. “Edison phải nếm mùi thất bại cả ngàn lần rồi mới chế tạo ra bóng đèn điện, Beethoven về già bị điếc nhưng vẫn sáng tác ra những bản giao hưởng bất hủ còn nổi tiếng hơn những tác phẩm trước đó… phải thắng được nghịch cảnh, dựng nên sự nghiệp mới đáng khen chứ?” “Muốn thành công như vậy, không thể trông ở sự may rủi mà phải có tư cách”. Hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê đều nhấn mạnh về tư cách; do ông sinh ra trong một gia đình Nho học, lại lớn trong “thời đại nông nghiệp”(cách ông nói về thời kỳ trước Cách mạng tháng tám 1945) nên thấm nhuần nhiều về đạo đức của các nhà Nho. Theo ông, “giáo dục ảnh hưởng lớn nhất đến tư cách con người mà tiếc thay, giáo dục thời nay lại không chú trọng đến đức dục”. Ngày xưa, trẻ em được cha mẹ uốn nắn rất nghiêm khắc, cách dạy dỗ vô tình khiến “nhiều người trở thành những bộ máy, mất cả sáng kiến” nhưng nhờ nghiêm khắc, con người sẽ có tính tự chủ hơn, thắng được cảm xúc nữa. Ngày nay, trẻ được tự do tung tăng, chiều chuộng, trẻ muốn gì được nấy, trở thành “những bạo chúa tí hon ở trong nhà”, nhiều em còn nói hỗn với cả cha mẹ nữa, thế thì làm sao có được một tư cách đẹp ngay từ đầu? Ở nhà thì vậy, còn ở trường học thì thế nào? Ông phàn nàn “: Ở trường, người ta chỉ chú trọng đến trí dục, cốt dạy thanh niên biết thanh niên biết nhiều khoa học. Luân lý thành một môn phụ thuộc và giáo sư luân lý bị học sinh chê là cổ hủ. Sự lựa chọn giáo sư chỉ theo bằng cấp chứ không cần đức hạnh nên nhiều ông có tư cách rất kém, như vậy học sinh làm sao có gương tốt mà theo?” Ông kết luận “: Nền giáo dục hiện thời không luyện tư cách, nên ta phải tự luyện lấy, càng sớm càng hay.” Sao ông trọng tư cách đến vậy, vì “một tư cách cao là một quyền lực mạnh, nó ảnh hưởng lớn đến đời ta; đi đâu ta cũng được người trọng, trong nghịch cảnh nào ta cũng được người giúp và chắc chắn sẽ thành công.” “Nhưng muốn luyện tư cách, phải rèn nghị lực trước hết.” Đây là nội dung chính và cũng là mục đích chính của cuốn sách như tiêu đề “Rèn nghị lực để lập thân”

Nguyễn Hiến Lê khẳng định “Ai trong chúng ta cũng có nghị lực”! Vì chúng ta đã chẳng từng thức khuya dậy sớm, bỏ những buổi xem phim hấp dẫn, những buổi đi chơi với chúng bạn trước mỗi kỳ thi sao, hay đã phải đợi xếp hàng cả giờ đồng hồ để mua được một sản phẩm khuyến mãi nào đó… Đó chẳng phải là có nghị lực mới thực hiện được ư? Do vậy, “không một người nào sinh ra thiếu hẳn nghị lực”, chỉ do ta muốn hay không thôi. Ông gọi đó là “bệnh nghị lực”. Đọc phần viết “bệnh nghị lực” này, hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ bắt gặp một phần hình ảnh của mình. Tôi nhận thấy mình nằm ở trường hợp này “:Chúng ta cứ tưởng làm người ai mà không muốn tự do; nhưng không, có những người không thích tự do; họ muốn có một quyền lực nào ép buộc họ và nếu để họ tự do thì họ chẳng chịu làm gì cả. Họ không thiếu sáng kiến, nhưng không chịu quyết định, để người khác quyết định giùm họ rồi thúc đẩy họ, họ mới miễn cưỡng chịu tiến.” Khi mới bước vào cánh cửa đại học, hầu như mọi sinh viên đều như “bước vào một thiên đường”, đi học không phải dò bài, muốn thì lên giảng đường, không muốn thì ở nhà, không còn áp lực như hồi phổ thông nên cứ vô tư chơi bời, 4 năm trời “ban” cho mà! Rồi kỳ thi đến mới lăn vào học như “điên”, dĩ nhiên kết quả không thể nào mà xuất sắc được, nhưng quả thực học trước thì “không vô”, không có gì kích thích nên không tập trung được. Cách học này khiến cho kiến thức không ở lại lâu trong tiềm thức và có hại cho nghị lực vô cùng. Rồi thì có người lại quyết định quá nhanh do suy nghĩ không kỹ càng dẫn đến thiếu kiên nhẫn sau này ảnh hưởng đến nghị lực… Nghị lực ít quá đã không tốt, nghị lực quá nhiều cũng gây hại nữa, nghị lực nhiều quá thành ra cố chấp, những người này không hề biết do dự, quyết định rất nhanh nhưng ai có góp ý gì cũng không chịu nghe, khăng khăng tin mình là đúng, “họ làm nô lệ cho nghị lực của họ, nhắm mắt đưa đầu đi trước”, thế thì có tốt không? Đó là những “bệnh nghị lực” mà Nguyễn Hiến Lê đã dùng những dẫn chứng rất tinh tế và dễ hiểu để làm rõ về nguyên nhân làm suy giảm đi tinh thần nghị lực của con người.

Vậy bằng cách nào mà luyện nghị lực đây? Ngoài một lý trí sáng suốt ra “cần phải biết dùng năng lực của tình cảm, nhất là của lòng ham lợi, lòng ham danh và tình yêu, để hoạt động được hăng hái và bền bỉ.” Nghe thật lạ lẫm đúng không? Chúng ta hãy xem ảnh hưởng của những tình cảm này đến việc rèn nghị lực ra sao: Theo Nguyễn Hiến Lê “ lòng ham lợi không cao thượng nhưng có mãnh lực lớn. Vì ham tiền mà biết bao người cặm cụi làm lụng từ sáng sớm tới khuya, không lúc nào hở tay, quên cả con cái, đau ốm cũng không nghỉ, nguy hiểm cũng không từ, bán rẻ cả lương tâm cùng danh dự”; “ lòng ham danh cao thượng hơn một chút, nhờ nó mà nhiều nhà văn chịu cảnh nghèo khổ hàng chục năm, cặm cụi trên sách vở suốt ngày để sáng tác… đô đốc Bryd muốn thám hiểm Bắc Cực, chính phủ Mỹ không giúp tiền, ông phải đi quyên mà không được bao nhiêu; sau ông đập vào lòng ham danh của con người, hứa sẽ lấy tên những người quyên nhiều nhất mà đặt cho những ngọn núi ông sẽ kiếm được ở Bắc Cực; tức thì hàng chục nhà triệu phú hân hoan ký cho ông những ngân phiếu kết xù”; “cao thượng nhất là tình yêu , yêu người thân, yêu đồng bào, yêu nhân loại, yêu cái Mỹ , cái Chân , cái Thiện … từ các vị hiền triết như Thích Ca, Khổng Tử, Giê-su, các vị bác học như Pasteur, Berthelot, Curie, Einstein…. đến những người mẹ hiền vô danh hy sinh tánh mạng để cứu con… hết thảy các người đó, chí khí tuy cao thấp khác nhau nhưng tình yêu thì một màu trong sáng, một độ nồng nàn như nhau cả.” Sau khi phân tích những ảnh hưởng đó, ông đưa ra ví dụ thực hành ngay “: ..bạn muốn học thêm Anh ngữ… bạn sẽ tự nhủ, biết được sinh ngữ đó, sau dễ kiếm thêm tiền, lại được cái vui đọc hiểu sách Anh, hiểu nổi văn chương Anh. Bạn lại có thể nổi danh nữa chứ … bạn bè sẽ phục bạn là học rộng… Sau cùng, biết tiếng Anh, bạn sẽ dạy lại con cháu, chúng sẽ giỏi về môn đó, còn gì thích và hãnh diện bằng? Nghĩ như vậy, tôi chắc bạn sẽ không còn ngại học nữa.” Một áp dụng thật sinh động và thiết thực đối với chúng ta khi mà đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập thì ngoại ngữ là điều kiện giúp chúng ta vươn ra thế giới.

Một vấn đề lớn để hình thành được nghị lực cho con người đó là biết được “ ta muốn gì ”. Nguyễn Hiến Lê đưa ra một nhận xét, mặc dù lời nhận xét đó đã hơn 50 năm rồi, nhưng ngày nay và có lẽ trong tương lai xa nữa lời này vẫn còn đúng “:Phần đông thanh niên ở trường ra không biết mình muốn cái gì?” Biết mình muốn gì rất ư là quan trọng, mong muốn chính là mục đích để chúng ta vươn tới, là động lực để chúng ta vượt qua những khó khăn. “ Muốn quả thực là điều quan trọng nhất ở đời và biết muốn là bước đầu để thành công”. Nguyên nhân là từ trong ghế nhà trường, đa số các động lực trong học tập thực ra không phải là do ta tự ra quyết định, “học sinh nào mà không muốn được thuộc bài, làm được bài, được thầy yêu, được hơn bạn, được phần thưởng, được thi đậu? Nhưng cái muốn đó chưa thực là muốn vì do thói quen chứ không do sáng kiến… chương trình và thời khóa biểu được quy định một cách tỉ mỉ… học sinh không phải tự ý lựa chọn, quyết định một việc gì nên khi ở trường ra, không được dắt dẫn từng bước nữa, họ hóa bỡ ngỡ, như người mất phương hướng.” Do không biết rõ mình muốn gì nên khi chọn nghề cho mình, nhiều học sinh chọn vì theo số đông, vì theo gia đình, theo độ “hot” của ngành nghề… dẫn đến chọn nghề miễn cưỡng, nếu may mắn sau này cảm thấy yêu thích thì còn đỡ, không đúng sở thích và sở trường thì việc làm sẽ là gánh nặng, như thế đời sẽ kém vui đi nhiều, có thích thú đâu mà làm việc hết mình được; rồi hậu quả là không thành công trong công việc, lúc đó lại cho là đời mình bỏ đi, không còn tương lai gì nữa, có phải do ta thiếu sức hoạt động đâu! Tuy nhiên, phải muốn những gì vữa tầm của chúng ta, “đừng nên muốn những cái trái ngược nhau hoặc những điều ta không làm nổi”. Nhưng cũng có những mong muốn nếu biết chia ra thành từng bước nhỏ rồi thực hiện theo thứ tự thì cũng sẽ thành công, giống như các chương trình, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của công ty vậy.

Sau khi đã biết được “mình muốn gì” thì nên bắt tay vào rèn luyện nghị lực thôi! Đầu tiên phải biết quyết định một cách mau chóng và chính xác bởi “những người do dự, không biết quyết định là kém nghị lực”. Để làm được điều đó, sau khi vạch ra mục đích và chương trình rồi, cần “phải suy nghĩ kỹ rồi ghi rõ từng giai đoạn, cách thức trong thực hành để sau khỏi thay đổi ý kiến mà quyết định đi, quyết định lại ba bốn lần.” Một cách luyện tập ra quyết định mà tôi thấy khá hay của ông là khi có ai hỏi về ý kiến của mình về một cuốn sách hay dở ra sao, áo nào đẹp hơn… thì không nên trả lời chung chung là “Tùy ý ông” hay “Thế nào cũng được”, “tuy những sự lựa chọn đó không quan trọng gì… nhưng thái độ không biết quyết định đó nhất định phải bỏ.” Quyết định mau và đúng rồi, còn phải biết nắm lấy cơ hội nữa. “Nguyễn Huệ nếu không biết nắm cơ hội quân Thanh đang say sưa ăn Tết, chẳng đề phòng gì cả mà tấn công như vũ bão ở trạn Đống Đa thì ông có được suy tôn làm đệ nhất anh hùng không?… Nã Phá Luân (Napoléon) cũng có chiến thuật như ông… vậy mà có lần ông đã lầm lỡ. Sáng ngày cuối cùng trận Waterloo, ông đã tấn công trễ mất một lúc, ông thua, phải bị đày qua đảo Sainte Hélène, làm cho vận mạng nước Pháp thay đổi hẳn.” Nguyễn Hiến Lê kết luận “Thời gian chảy đều đều, nhưng có những phút quan trọng hơn một năm, định đoạt được đời của một người, có khi của hàng chục hàng trăm triệu người nữa”. Do vậy mà với các bạn trẻ, cần phải biết nắm cơ hội thật mau chóng, đúng lúc thì mới thành công được. Về hành động, ông khuyên chúng ta “không có ngày mai”, nghe lạ nhỉ, nhưng thực ra là muốn chúng ta có công việc nào hôm nay thì nên giải quyết ngay đi bởi “một công việc làm được hôm nay mà không làm thì ngày mai khó mà làm được vì ngày mai còn có những công việc của ngày mai”. Đó cũng là ý nghĩa của câu nói quen thuộc mà chúng ta thường nghe khi ngồi ở ghế nhà trường “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Tiếp theo là cần tập trung tư tưởng, để làm được điều đó, nên tập “diệt thói mơ mộng, nhất là thói mơ mộng tình ái của thanh niên, nó gợi nhục dục và làm cho con người biếng nhác, ươn hèn”. “Ái tình cần thiết cho đời người, song lúc nào nó cũng thừa thải rồi, còn nhắc đi nhắc lại tới nó làm chi, chỉ thêm nối giáo cho giặc. Còn nhiều tình cảm cao thượng như lòng thương người, bênh vực kẻ yếu, lòng khoan hồng, tính nhẫn nại, tính đoàn kết… sao người ta không dùng làm đề tài để xây dựng những cốt truyện có ích cho sự giáo dục thanh niên?” Quả thật là khi yêu thì chẳng ai mà có đủ tình thần mà làm hết sức cho công việc được vì đã để hết ở “nửa kia” rồi! Biết kiềm chế để có thể làm tốt công việc mà không xao nhãng đã là người có đủ tập trung cho nghị lực rồi. Tập trung rồi phải kiên nhẫn nữa, ông khuyên chúng ta nên kiên nhẫn bằng một câu rất hay “Muốn thành công thì đừng bao giờ thất vọng; nhưng nếu có lúc thất vọng thì cũng cứ làm việc trong sự thất vọng đi”. Biết tận dụng những thời gian rỗi cũng quan trọng không kém cho thành công. “Một thời gian nhỏ có thể không đáng giá bao nhiêu, song gom nhiều thời gian nhỏ lại thì đủ làm những việc vĩ đại.” Đúng thế thật! Chỉ cần chúng ta dùng thời gian ngồi trên xe bus để học từ vựng tiếng Anh – một từ thôi cũng được – khoảng một năm sau ta sẽ thấy bất ngờ về sự tiến bộ trong vốn từ vựng của mình. Ngoài ra, Nguyễn Hiến Lê còn đưa ra thêm nhiều phương pháp giúp ta rèn luyên nghị lực khá hay, tôi xin đưa ra một vài ý:

•  Bạn quen dậy trễ thì sáng mai nhất định tỉnh dậy trước giờ đi.

•  Bạn quen nằm rán trên giường năm, mười phút sau khi thức dậy thì sáng mai bỏ tật đó đi mà nhảy xuống sàn liền.

•  Mỗi khi thấy muốn nghỉ, ta nên gắng sức thêm một chút, một chút thôi. Chẳng hạn bạn đã học một giờ Anh ngữ, thấy học muốn “không vô” nữa, bạn định gấp sách lại đi chơi, nhưng hãy khoan, xin bạn rán ngồi thêm năm phút nữa, ôn lại bài cũ đã. Năm phút thêm đó có lẽ không có lợi gì mấy cho sự học của bạn, nhưng rất có lợi cho sự rèn nghị lực. Thật đúng như một trường hàm thụ nọ ở Pháp đã bảo học sinh: “Chưa ai định tới đâu là cùng cực của sự mệt nhọc và tới đâu là bắt đầu của sự làm biếng”.

(Bài viết tham dự cuộc thi cảm nhận về sách)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

viVietnamese
Powered by TranslatePress