Câu chuyện đào tạo – B1

CÂU CHUYỆN ĐÀO TẠO

“Đào tạo đề cập đến việc dạy các kỹ năng thực hành, nghề nghiệp hay kiến thức liên quan đến một lĩnh vực cụ thể, để người học lĩnh hội và nắm vững những tri thức, kĩ năng, nghề nghiệp một cách có hệ thống, để chuẩn bị cho người đó thích nghi với cuộc sống và khả năng đảm nhận được một công việc nhất định”. Đó là nguyên văn theo định nghĩa trong một tự điển.

Vậy để có thể “đảm nhận một công việc nhất định”, hay làm bất kỳ nghề nghiệp gì thì người đó cần phải được đào tạo. Trong thời buổi xã hội thay đổi không ngừng và liên tục, từ khoa học công nghệ cho đến tư duy con người, thì không thể đào tạo một lần là có thể “đủ vốn” để làm việc suốt đời, sống suốt đời. Một nghề nghiệp mà không được trau dồi, rèn giũa, cập nhật thì coi chừng sẽ bị đào thải. Hơn nữa, để thích ứng với sự biến chuyển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nghề nghiệp đang thịnh hành hôm nay có thể sẽ mất đi trong tương lai. Vậy là con người buộc phải tìm kiếm nghề nghiệp mới. Để có nghề nghiệp mới, con người phải được đào tạo ngành nghề mới với kiến thức mới, kỹ năng mới. Vậy mới thấy chiều sâu ý nghĩa của “xã hội học tập”, “học tập suốt đời” mà cả thế giới đang thực hiện. Đó một lẽ tự nhiên như gió thì không ngừng thổi, mây không ngừng bay, không khí không ngừng chuyển động.

“Hãy học khi người khác ngủ; lao động khi người khác lười nhác; chuẩn bị khi người khác rong chơi; và có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước”, có một câu danh ngôn như vậy đấy. Do đó, cần phải “học, học nữa, học mãi” để tiếp thu những kiến thức mới mẻ. Ngược lại, nếu tự bằng lòng với kiến thức đã biết, đã học là chấp nhận tụt lại trong dòng chảy tri thức đang cuồn cuộn tiến về phía trước. Nhưng học là học những gì? Tất nhiên là kiến thức khoa học, là kỹ năng nghề nghiệp, là học cách thức tổ chức công việc, phương pháp làm việc để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Điều này đúng, nhưng hình như vẫn còn thiếu điều gì đó – điểm mấu chốt để phân biệt thành công hay thất bại ở những người gần như có cùng kiến thức, cùng kỹ năng, tương đồng về kinh nghiệm. Đấy chính là yếu tố quan trọng nhất: học cách làm người, để làm cho ra người. Con người có thái độ tích cực trong mọi công việc đang làm, không cau có, xét nét từng chút. Con người biết dấn thân, đầy tinh thần trách nhiệm, thấm đẫm đạo đức nghề nghiệp. Con người có khả năng phân tích, tổng hợp để tìm ra quy luật vận hành trong một lĩnh vực nghề nghiệp nào đó, để rồi vận dụng sáng tạo, khéo léo, linh hoạt, phù hợp vào những công việc mới, lĩnh vực mới.

Các cơ sở đào tạo, nhất là các trường nghề, trung tâm định hướng nghề nghiệp, dịch vụ việc làm… hình như đang chú trọng quá mức đến việc cung cấp thật nhiều kiến thức, huấn luyện thành thục thật nhiều kỹ năng, mà ít chú ý tới việc chia sẻ, truyền đạt cho người học về thái độ sống, thái độ làm việc, khơi gợi những cảm xúc tích cực đang tiềm ẩn. Dù kiến thức uyên thâm, kỹ năng thông thạo đến đâu mà suy nghĩ, tư duy không khoáng đạt, dễ chấp nhận cuộc sống lặng lẽ một mình, thì làm sao có thể cùng làm việc nhóm, cùng đứng bên nhau để vận hành một công việc, một dây chuyền, một guồng máy? Dù năng lực giỏi đến bao nhiêu, mà cảm xúc tiêu cực cứ bám víu bên trong, năng lượng làm việc tụt xuống thì năng suất làm sao cao cho được?

Nhà bác học của thuyết tương đối đúc kết một điều: “Chúng ta không thể dạy bảo ai bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn bên trong họ”. Những gì còn tiềm ẩn phải chăng chính là những cảm xúc tích cực, khả năng nhận thức, lòng yêu thương trong mỗi người. Vậy, đào tạo nghề nghiệp trước hết và xuyên suốt là khơi gợi, kích hoạt những cảm xúc tích cực đang tiềm ẩn trong người học, giúp người học có thái độ tích cực, đúng đắn đối với cuộc sống và công việc. Hãy làm cho người học luôn khắc ghi rằng “thái độ còn quan trọng hơn cả trình độ”. Nói cách khác, trình độ chỉ là điều kiện cần, còn thái độ mới là điều kiện đủ để đi đến thành công trong công việc và cuộc sống mai này.

Nói là nói vậy, nhưng kiến thức, kỹ năng có thể truyền đạt cho nhau bằng các giáo trình với những định nghĩa, khái niệm, công thức,… nhưng thái độ thì làm sao để truyền đạt đây? Trình độ có thể lượng hoá bằng kết quả học tập với những chứng chỉ, chứng nhận, bằng cấp, nhưng thái độ là điều gì đó lại mơ hồ, khó định nghĩa, đo lường một cách chuẩn xác, chỉ có cảm nhận mà thôi. Con người chỉ có cách quan sát cuộc sống của những người chung quanh mình, đối chiếu suy nghĩ, hành động của người thành công và người không thành công, đặt ra những câu hỏi tại sao và tìm câu trả lời.

Sự thay đổi ở một con người bắt đầu từ chính suy nghĩ và niềm tin của người đó. Mỗi người có thể nhắc mình và nhắc nhau rằng: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận”.

Xích Lô

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

viVietnamese
Powered by TranslatePress