Phần 4 – Sống với lòng vị tha
Tấm lòng vàng. Tháng 9 năm 1997 tôi quy y cửa Phật, tháng 11 năm 1997 tôi bắt đầu cuộc sống tu hành. Do chưa quen nên việc đi khất thực vô cùng cực nhọc, ngón chân lòi ra khỏi dép miết xuống đường nhựa toạc máu, cơ thể rã rời. Tôi cố gắng chịu đựng, trên đường trở về chùa, khi đi qua công viên, gặp một người phụ nữ là công nhân vệ sinh, tay cầm chổi, chân bước thoăn thoắt đến chỗ tôi và bỏ đồng xu 500 yen vào cái túi tôi đeo trước ngực, hành động rất đỗi tự nhiên.
Trong khoảnh khắc đó, nỗi xúc động mà tôi chưa từng cảm nhận bỗng lan khắp cơ thể. Một cảm giác hạnh phúc tràn ngập trong tôi. Tôi thực sự nhận được tấm lòng từ bi của Đức Phật qua hành động nhân ái của người phụ nữ đó. Hành động ấy cho tôi thấy cốt tủy của lòng vị tha là thế nào.
Lòng vị tha chẳng phải là điều gì xa vời. Chúng ta có thể bắt đầu từ việc quan tâm một chút đến những người chung quanh, từ những người thân thiết trong gia đình, đến bạn bè rồi mở rộng phạm vi lớn hơn như cộng đồng, xã hội, nhân loại…
Xuống địa ngục hay lên niết bàn tùy thuộc ở tâm. Khả năng quan tâm đến người khác, hay lòng vị tha quan trọng đến mức nào? Vị sư già nơi tôi tu hành thuyết giảng cho đệ tử: “Niết bàn và địa ngục là hai cõi hoàn toàn giống nhau. Điểm khác nhau là cái tâm của những người sống ở hai nơi đó. Người sống ở cõi địa ngục là những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Còn ở niết bàn là những người có tấm lòng vị tha, luôn sống vì người khác”.
Gốc rễ của kinh doanh là lòng vị tha. Theo Max Weber (1864-1920) thì những người xây dựng xã hội tư bản chủ trương coi trọng các nguyên tắc đạo đức nghiêm khắc, tôn trọng lao động, lợi nhuận thu được trong các hoạt động kinh tế được dùng vào việc phát triển xã hội. Nói cách khác, tinh thần vị tha vì xã hội, vì con người, vì công ích hơn vì tư lợi phải trở thành quy tắc đạo đức chung.
Lòng vị tha khiến cho tầm nhìn mở rộng. Cần lưu ý đến mối quan hệ hai mặt giữa ích kỷ và vị tha. Nói cách khác, nếu nhìn từ tầm thấp thì một hành động nào đó có thể coi là vị tha, nhưng nếu đứng ở tầm cao hơn để nhìn nhận thì những hành động ấy lại trở thành ích kỷ. Do đó, phải luôn nâng cao và mở rộng tầm nhìn của lòng vị tha. Lợi ích gia đình lớn hơn lợi ích cá nhân, lợi ích cộng đồng lớn hơn lợi ích gia đình. Lợi ích xã hội lớn hơn lợi ích cộng đồng, và cao hơn nữa là lợi ích cả thế giới, vũ trụ.
Lòng vị tha trở thành động lực vượt qua khó khăn, dẫn đến thành công.
Tôi kêu gọi nhân viên: “Vì người dân, hãy làm sao để giá cước điện thoại đường dài rẻ hơn”, “Cuộc đời chỉ có một lần, hãy sống sao cho có ý nghĩa”. Thật không ngờ, doanh số của chúng tôi ngày một tăng, làm đảo lộn mọi dự đoán. Nó minh chứng rõ ràng: Sẽ thành công nếu động cơ của chúng ta trong sáng.
Hãy cống hiến cho xã hội. Triết lý kinh doanh của Kyocera là “Mang lại lợi ích cho toàn thể cán bộ công nhân viên trên cả hai mặt vật chất và tinh thần, đồng thời cống hiến cho sự tiến bộ xã hội”.
Lúc nền móng của công ty đã vững chắc, sau khi trao tiền thưởng cuối năm đến tận tay công nhân viên, tôi kêu gọi mọi người hãy trích ra một ít tiền thưởng để lập quỹ từ thiện dành cho người nghèo trong dịp Tết, mọi người tán thành. Đây là sự nghiệp từ thiện đầu tiên mà Kyocera thực hiện.
Kết quả quá trình phát triển công ty Kyocera đã làm cho tài sản của tôi tăng lên đến không ngờ. Tôi tự nhủ: Mình không được giữ riêng tài sản đó. Tài sản có được từ xã hội hoặc tạm giữ cho xã hội hoặc phải được trả lại cho xã hội. Trên tinh thần đó tôi lập ra quỹ Inamori và giải thưởng Kyoto để đền đáp cho xã hội.
Tôi cho rằng, cùng với việc rèn luyện thể chất và trí não, nhà trường cần tạo cơ hội để trẻ em học và suy nghĩ về lẽ sống của con người. Đồng thời, đừng bỏ quên yếu tố đạo đức, luân lý, triết học, nhân sinh quan, những điều cơ bản thể hiện hình ảnh cao đẹp vốn có của con người.
Học cách sống tri túc từ thế giới thiên nhiên. Ngoài những hành động vị tha, biết nghĩ đến người khác trên cơ sở lòng nhân ái, ta cần quán triệt cung cách sống “tri túc”.
Chính nhờ biết cách sống “tri túc”nên thế giới tự nhiên mới có thể tồn tại trong sự cân bằng và ổn định. Chẳng phải con người cũng cần phải học cung cách “điều độ” của muôn loài trong thế giới tự nhiên đó sao?
Con người muốn thống trị tự nhiên bằng lòng tham vô đáy. Lòng tham ấy áp lực lên mọi suy nghĩ và hành động. Đã có lại muốn có thêm; đã giàu lại muốn giàu nữa. Bức tường “tri túc” đã bị đánh sập. Và cuối cùng, điều đó đang đe dọa cả trái đất – nơi trú ngụ của chính con người.
Nền văn minh vị tha sẽ nở hoa khi loài người tĩnh ngộ. Để không bị chết chìm cùng con thuyền sinh thái thì không có cách nào khác là chúng ta phải lấy lại sự điều độ: không đòi hỏi hơn những gì cần thiết. Cái mà chúng ta cần là cách sống “tri túc” như lời dạy của Lão tử: “Kẻ biết đủ là kẻ hạnh phúc”. Nhưng tri túc không phải là sống an phận hay tự mãn, nó cũng không phải là cách sống trì trệ, thụ động, không có năng lực sáng tạo. Trái lại, là cách sống tràn đầy sinh lực sáng tạo, luôn đào thải cái cũ, tiếp nhận cái mới một cách lành mạnh và những ý tưởng mới luôn nảy sinh trong quá trình sống.