Sản phẩm từ nhựa và nilon ra đời đã mang lại không ít tiện ích cho đời sống con người, nhưng việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái.Do tính tiện lợi của các vật dụng từ nhựa nên lượng rác thải nhựa phát sinh ngày càng nhiều. Nạn ô nhiễm rác thải nhựa sử dụng 1 lần đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ 2 trên thế giới sau Biến đổi khí hậu. Việt Nam là nước đứng thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới vớilượng rác thải nhựa và túi nilon ngày càng gia tăng và khó kiểm soát.
Đây cũng là thực trạng trong khuôn viên kí túc xá tại Trường Cao Đẳng Cơ Điện Xây Dựng Việt Xô , học sinh sinh viên chưa có thói quen phân loại rác thải và rác thải xuất hiện khá nhiều nơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, trong khâu tiêu hủy rác thì rác thải nhựa không những rất khó phân hủy mà còn có ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa, Đội Thanh niên tự quản KTX đã và đang có nhiều nỗ lực và hành động quyết liệt thông qua nhiều phong trào và mô hình cụ thể. Một trong những hoạt động nổi bật, mang lại giá trị “kép” đang được các bạn HSSV trong KTX hưởng ứng nhiệt tình, đó là biến những nguyên vật liệu sẵn có thành “Ngôi nhà xanh”, thu gom rác thải, góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.
“Ngôi nhà xanh” được thiết kế có chiều cao 1,5m; rộng 1m, bọc lưới xung quanh được thiết kế bằng khung thép chắc chắn, lợp mái tôn đảm bảo phù hợp, gọn nhẹ, thuận tiện cho HSSV sử dụng và có thể di chuyển được để chứa các loại phế liệu mà không lo bị mưa ướt, vào ban ngày, lẫn ban đêm, HSSV thu gom rác thải có thể tái chế như nhựa, kim loại, giấy vụn, vỏ lon, chai nước ngọt, giấy bìa, chai nhựa, … thả vào “Ngôi nhà xanh”
Với mô hình “Ngôi nhà xanh” trong khu KTX trường học thì việc bỏ rác đúng chỗ đã trở thành thói quen đối với các em HSSV hơn, khuôn viên KTX cũng vì vậy ngày càng đẹp hơn do có nơi tập kết rác mà không lo mưa nắng. mô hình này cũng có ý nghĩa giáo dục cho các em học sinh trong việc phân loại rác thải để bảo vệ môi trường vừa giúp các em học sinh có ý thức tiết kiệm nhằm gây quỹ thực hiện các hoạt động bổ ích trong KTX .
Đây là một việc làm thiết thực không chỉ đóng góp sức trẻ trong việc hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường
Thầy Mai Đức Triều (GV Quản lý KTX),người đưa ra ý tưởng và triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” cho biết thêm: “Cái đầu tiên sau khi triển mô hình “Ngôi nhà xanh” chúng tôi nhận thấy được là ý thức của học sinh trong việc bảo vệ môi trường xung quanh, môi trường sinh thái đã được nâng cao .Cái thứ hai nó cũng vừa tạo được một nguồn quỹ nhỏ dùng để thực hiện các kế hoạch nhỏ, một phần dành mua các loại túi đựng rác sinh học ,chổi quét nhà để các em HSSV trong KTX thu góp rác thải, tạo động lực khích lệ các em ; còn lại sẽ gây quỹ hộ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn .”
Từ việc bán phế liệu từ “Ngôi nhà xanh”, Đội Thanh niên tự quản đã tiến hành mua túi đựng rác sinh học phát cho các em HSSV thu gom rác thải trong phòng trước khi mang ra khu tập kết rác.
Hàng tuần đều đặn vào chiều thứ sáu , các bạn trong Đội thanh Niên tự quản lại tiến hành thu gom chai nhựa từ “Ngôi nhà xanh”. Sau đó bán, lấy tiền gây quỹ
Sau hơn 2 tháng triển khai mô hình thu gom rác thải “ Ngôi nhà xanh “, với một nguồn quỹ từ việc bán chai nhựa, Các thầy Quản lý KTX cùng Đội Thanh niên tự quản đã tiến hành mua túi đựng rác sinh học phát cho các bạn HSSV trong KTX.
Em Tạ Ngọc Tiến (Phòng 208 KTX số 2) , cho biết: “Em thấy việc thực hiện ngôi nhà xanh này rất có ích, nó không bán được quá nhiều tiền nhưng góp một phần bảo vệ môi trường từ việc thu gom rác thải nhựa và nó cũng một phần giúp một số bạn học sinh nghèo mua đồ dùng học tập, quần áo.”
Thầy Phạm Đức Long (GV Quản lý KTX-Đội trưởng Đội TNTQ) chia sẻ: “Vừa qua, khi “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa đưa vào hoạt động, tôi thấy rất ý nghĩa với nhà trường. “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải nhựa không chỉ đơn giản là giáo dục ý thức phòng, chống rác thải nhưa, bảo vệ môi trường, mà chính từ việc “làm nhỏ, ý nghĩa lớn” của mô hình sẽ tạo nguồn thu để giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong học tập. Qua đó, giáo dục các em về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho HSSV trong KTX và HSSV trong toàn trường về tác hại của rác thải nhựa, túi nilon đối với môi trường và sức khỏe con người; sự cần thiết của việc giảm thiểu rác thải nhựa .”
Có thể thấy, mô hình “Ngôi nhà xanh” là hình thức khuyến khích HSSV phân loại và thu gom rác thải nhựa rất hiệu quả. Thông qua mô hình đã giúp hình thành ý thức, thói quen phân loại rác thải, bảo vệ môi trường của các em HSSV . Hiện nay, nhiều em học sinh đã hình thành những thói quen thú vị, như: phân loại rác tại gia đình, giữ lại và xử lý sạch rác thải nhựa; sử dụng bình nước cá nhân thay vì dùng cốc sử dụng một lần; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần…
Em Trần Thị Trà My (Lớp 7AK25) chia sẻ: “ Sau khi thực hiện thu gom rác thải nhựa, em có thói quen luôn mang theo một chiếc túi bên mình. Mỗi khi đi học hay đi chơi, nhìn thấy rác thải nhựa em đều nhặt lại. Em thấy việc thu gom rác thải nhựa này rất thú vị, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa khiến em có thể trực tiếp tuyên truyền được cho người thân, bạn bè cùng thực hiện.Em sẽ tích cực tham gia các hoạt động thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy trong trường học cũng như tại gia đình”.
Có thể thấy rằng, mô hình thu gom rác thải nhựa “Ngôi nhà xanh “đã và đang góp phần tích cực phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường trong chính các bạn HSSV , cán bộ giáo viên Nhà trường đã được nâng lên rõ rệt, thể hiện bằng những hành động cụ thể, đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Qua đó, giáo dục các bạn HSSV ý thức tự giác và hành động thiết thực, nói không với rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường.
Những hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn sẽ tiếp tục được lan tỏa làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn với việc tạo dựng nên một xã hội xanh- sạch-đẹp, văn minh.
TG: Th. Mai Đức Triều